Home > Hệ điều hành Windows > CPU Laptop: Lựa chọn nào phù hợp với bạn?

CPU Laptop: Lựa chọn nào phù hợp với bạn?

CPU (chip xử lý) là một thành phần trung tâm quan trọng nhất của máy tính, không chỉ xử lý các tác vụ thông thường như nghe nhạc, xem phim và hình ảnh. Với một cỗ máy CPU đủ khỏe, bạn thậm chí còn có thể sử dụng các phần mềm đồ họa nặng và chơi game cấu hình cao. Tất nhiên, bạn phải nắm rõ xung nhịp và đời CPU để có được quyết định đúng đắn nhất.

Hầu hết các dòng laptop hiện nay đều được trang bị chip Intel và một số dòng laptop giá rẻ sử dụng chip AMD. Mặc dù vậy mỗi dòng chip lại có rất nhiều phiên bản khác nhau khiến việc so sánh và đánh giá hiệu năng của mỗi dòng chip không hề đơn giản.

Vậy loại CPU Laptop nào phù hợp với nhu cầu của bạn?

Dưới đây tạp chí LaptopMag đã lập biểu đồ phân loại các dòng CPU phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi người dùng. Trong đó, máy trạm và chơi game luôn đòi hỏi dòng CPU hiệu suất cao. Trong khi đó, những dòng laptop giá rẻ, hiệu suất thấp thường sẽ dùng dòng CPU Celeron, Pentium và thậm chí là Atom cho dòng siêu rẻ.

Tuy nhiên, thật không dễ dàng để cắt nghĩa chính xác loại CPU và đời CPU mà bạn mong muốn sẽ phù hợp với chiếc laptop của bạn. Dưới đây là cách để bạn hiểu rõ hơn về cách đọc một thông số CPU.

Chip Intel Core i hiện có 7 thế hệ. Thế hệ đầu có tên mã là Nehalem, thế hệ hai là Sandy Bridge, thế hệ ba là Ivy Bridge, thế hệ thứ tư là Haswell, thế hệ thứ năm là Broadwell, thế hệ thứ sáu là Skylake và thế hệ thứ bảy mới nhất là Kaby Lake.

Cấu trúc tên chung của chip Intel Core i cơ bản là:

Tên bộ xử lý = Thương hiệu (Intel Core) + Từ bổ nghĩa thương hiệu (i7) + Thế hệ (7) + SKU (500) + Dòng sản phẩm (U)

– Tên thương hiệu: thông thường là Intel Core nhưng có thể dán nhãn Xeon, Celeron, Pentium hoặc Atom.

– Từ bổ nghĩa thương hiệu: Đa số là Core i3, i5 hoặc i7 (càng cao càng mạnh).

– Thế hệ: Là thế hệ CPU được Intel định danh tương ứng với 7 phiên bản CPU hiện nay (càng cao càng tốt).

– SKU: Số hiệu xác định sản phẩm (thường có ba số).

– Dòng sản phẩm: Có rất nhiều chữ cái viết tắt khác nhau về dòng sản phẩm bao gồm U, Y, HQ hoặc HK. Đây chính là tiền tố dòng sản phẩm (Yếu tố then chốt để biết dòng CPU nào phù hợp với nhu cầu của người dùng).

Core i3, Core i5 và Core i7 có gì khác nhau?

Những yếu tố gì cần quan tâm nếu lựa chọn CPU dựa vào chỉ số Intel Core i?

Hầu hết các dòng CPU Intel mà bạn nhìn thấy trên laptop có giá hơn 400 USD trở nên. Những con số này cũng tương ứng với giá trị, tốc độ và hiệu năng xử lý tịnh tiến. Điều đó có nghĩa rằng, Core i3 là phiên bản thấp nhất và Core i7 là phiên bản cao nhất. Tuy vậy, đa số người dùng thường chỉ cần phiên bản Core i5 là đủ đề đáp ứng các nhu cầu học tập, giải trí, công việc hay thậm chí chơi game, làm đồ họa chuyên sâu.

+ Core i3: thường là CPU lõi kép, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop giá rẻ. Không tích hợp Turbo Boost.

+ Core i5: là CPU lõi kép hoặc lõi tứ, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop tầm trung. Có tích hợp Turbo Boost tùy phiên bản.

+ Core i7: là CPU lõi tứ hoặc tối đa 8 lõi, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop cao cấp. Có tích hợp Turbo Boost.

Cores: Số lõi xử lý của một CPU. Thông thường CPU của nhiều dòng laptop hiện nay có 2 lõi (dual core), tuy nhiên trên một số mẫu laptop cao cấp, số lõi có thể là bốn (quad core) để đáp ứng nhu cầu xử lý công việc đa tác vụ.

Hyper-Threading: Công nghệ siêu phân luồng có tác dụng quan trọng trong việc tạo ra các lõi xử lý ảo, cho phép tạo ra hai luồng xử lý trên mỗi nhân, giúp nâng cao hiệu suất xử lý với những phần mềm nặng.

Clock Speed: Tốc độ xử lý của CPU. Thông số này được tính bằng GHz và là số vòng đồng hồ (phép tính) mà CPU có thể xử lý được trên mỗi giây. Thông số này càng cao càng tốt tuy nhiên không phải là yếu tố chính quyết định tốc độ xử lý tổng thể của CPU.

Đọc thêm  Thủ thuật hay khi sử dụng Surface Pro 3

Turbo Boost: Là công nghệ nâng hiệu suất xử lý của CPU để nhanh chóng hoàn thành một nhiệm vụ nhất định bằng cách điều chỉnh xung nhịp của mỗi nhân độc lập sao cho phù hợp với nhu cầu xử lý. Cũng bởi vậy trên nhiều dòng máy, Clock Speed tuy được cho biết cố định nhưng hoàn toàn có thể đẩy cao hơn thế nhờ công nghệ Turbo Boost.

Thông thường trên dòng Intel Core i5 và Core i7 sẽ trang bị Turbo Boost, trong khi Core i3 không hỗ trợ.

Cache: Là bộ nhớ đệm của CPU, là trung gian giữa CPU và RAM, và là nơi lưu trữ tạm thời những lệnh mà CPU cần xử lý. Cache cũng là nơi lưu trữ những thông tin thường xuyên được sử dụng, nhờ đó việc sử dụng bộ nhớ cache giúp tiết giảm thời gian các thao tác lặp lại. Bộ nhớ cache của CPU hiện nay rơi vào khoảng 1 – 4MB. Bộ nhớ cache càng lớn thì tốc độ xử lý càng nhanh, giảm thời gian chờ đợi.

TDP: Là chỉ số lượng điện năng tiêu thụ và được tính bằng số Watt (W) mà CPU sử dụng. Số watt càng lớn có nghĩa hiệu suất tốt nhưng nhiệt độ sẽ cao và tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Thế hệ CPU có tác động đến quyết định lựa chọn CPU của bạn?

Trung bình từ 12-18 tháng, Intel thường cho ra mắt một thế hệ CPU mới, được cải thiện về tốc độ xử lý và khả năng tiết kiệm điện,…Đáng tiếc không phải lúc nào các dòng sản phẩm CPU cũng chạy theo kịp. Hiện nay chỉ có một số dòng Intel U-seriesY-series đang chạy thế hệ thứ 7 (Kaby Lake), trong khi đó, một số dòng CPU hiệu suất cao dành cho doanh nhân mới chỉ đang ở thế hệ thứ 6 (Skylake).

Mỗi 2 hoặc 3 thế hệ CPU liên tiếp, Intel sẽ bắt đầu quá trình cải tiến CPU bằng việc thu nhỏ các bóng bán dẫn nhằm giúp gia tăng hiệu suất xử lý nhưng vẫn duy trì được một mức tiêu thụ điện năng không đổi. Intel đang áp dụng chiến lược phát triển CPU theo chu kỳ “tick-tock” cách quãng 2 năm.

Theo đó, pha “tick” sẽ được ứng dụng để nâng cấp tiến trình tạo CPU mới và pha “tock” sẽ dành để nâng cấp kiến trúc xử lý. Tuy vậy khi tiến trình 10 nm và 7 nm đã cận kề, đặc biệt khi tiến trình 7nm được kỳ vọng sẽ có mặt vào năm 2018 và định luật Moore dần mất đi tính đúng đắn, có lẽ việc lựa chọn CPU dựa theo thế hệ CPU có thể sẽ gặp trở ngại lớn với người dùng nói chung.

Dòng CPU và những ưu tiên cho nhu cầu sử dụng laptop của bạn.

Nhìn chung, việc chọn dòng sản phẩm CPU phù hợp quan trọng hơn so sánh giữa Core i7 hay Core i5 với Core i3. Intel có 4 dòng CPU chính là Xeon E, HQ/HD, U và Y, mỗi dòng lại được chia ra thành rất nhiều bộ Core i3, i5 và i7 khác nhau. Bên cạnh đó, chỉ số TDP (lượng điện năng tiêu thụ) cũng rất khác biệt, dao động từ 4,5W cho dòng Y-series và thậm chí có thể lên đến 45W đối với dòng HQ-Series.

Trong phần giải thích về Core i, người dùng cũng đã biết TDP cao hơn thường đồng nghĩa với tốc độ xử lý nhanh hơn, nhưng hay gây nóng và tiêu tốn điện năng. Tuy vậy nếu chỉ dựa vào chỉ số TDP thấp để đánh giá chiếc laptop đó có thời lượng pin lâu hơn lại không hoàn toàn đúng. Trang LaptopMag từng có bài đánh giá khá chi tiết một số mẫu CPU có TDP 4.5W và kết luận cho thấy, tuổi thọ pin dưới mức trung bình do dung lượng pin thấp và màn hình tiêu tốn năng lượng.

Tư vấn dưới đây sẽ tiếp tục đi sâu về các dòng CPU phù hợp nhất với nhu cầu của người dùng:

Dòng Xeon E: Chỉ dành cho máy trạm cao cấp

+ Ưu điểm: Dành cho dân kỹ thuật, nghiên cứu hoặc đồ họa chuyên nghiệp.

+ Nhược điểm: Tuổi thọ pin giảm, chi phí đắt đỏ và trọng lượng lớn.

Đối với những cỗ máy trạm di động cao cấp hiện nay, Intel Xeon E3 là một sự lựa chọn không gì tuyệt vời hơn. Bộ CPU Intel Xeon E3 cung cấp 4 lõi vật lý, đi kèm công nghệ siêu phân luồng, Turbo Boost và TDP 45W.

Nhờ một sức mạnh đáng nể như vậy, CPU Intel Xeon E3 cho phép người dùng các cỗ máy trạm laptop có thể xử lý đồ họa 3D hoặc sử dụng các phần mềm mô phỏng phức tạp trong lĩnh vực nghiên cứu y tế hoặc kỹ thuật.

Dòng HQ/HK: Dành cho đối tượng yêu cầu hiệu suất cao

+ Ưu điểm: Phù hợp cho dân chơi game, chuyên gia sáng tạo hoặc người dùng hiệu suất cao.

+ Nhược điểm: Khả năng di chuyển, giá bán và tuổi thọ pin.

Nếu là một game thủ chuyên nghiệp hay một nhà thiết kế sáng tạo, một cỗ máy laptop trang bị dòng CPU HQ hay HK chắc chắn sẽ trở nên rất quan trọng. Dòng CPU HQ có bốn lõi thay vì chỉ có hai lõi như trên dòng U và Y. Bên cạnh đó nhờ công nghệ siêu phân luồng, một CPU Intel Core i7 có thể phân ra thành 8 luồng xử lý cùng lúc cho khả năng xử lý vượt trội.

Đọc thêm  Hướng dẫn sao lưu dữ liệu và xóa nick facebook vĩnh viễn

Dòng CPU HQ có chỉ số TDP 45W, điều đó có nghĩa tuổi thọ pin sẽ giảm nhanh nếu không có dung lượng pin lớn do hầu hết dòng CPU HQ đều tạo ra nhiệt lượng lớn hơn so với chip U. Cũng bởi vậy, bạn sẽ hiếm khi tìm được một mẫu laptop chạy chip Intel HQ có trọng lượng siêu nhẹ hay siêu mỏng.

Một trong những mẫu laptop nhỏ nhất hiện nay sử dụng dòng CPU HQ đó là Lenovo ThinkPad T460p, máy được trang bị màn hình 14 inch và trọng lượng khoảng 1,7kg. Lenovo ThinkPad T460p sở hữu viên pin 3-cell cho thời lượng pin tối đa khoảng 3 giờ 18 phút. Tuy vậy nếu như được trang bị viên pin 6-cell, tức trọng lượng dày hơn, máy có thể trụ được tới 9 giờ 57 phút.

HK cũng giống như dòng HQ nhưng là dòng chip có khả năng mở khóa hệ số nhân, phục vụ cho việc ép xung, tăng tốc độ xử lý của CPU trong nhiều trường hợp. Hiện nay, cả hai dòng HQ và HK đều dừng ở thế hệ thứ 6 (Skylake) và hứa hẹn sẽ được nâng cấp lên Skylake vào đầu năm 2017.

– Dòng U: Dòng hiệu suất thông dụng

+ Ưu điểm: Phù hợp cho những người muốn một cỗ máy laptop đáp ứng hài hòa tiêu chí hiệu suất và thời lượng pin.

+ Nhược điểm: Khó chơi game hay làm đồ họa yêu cầu hiệu suất cao.

Là dòng CPU tiết kiệm điện năng nhưng vẫn đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu về hiệu năng xử lý của người dùng phổ thông. Dòng chip U có chỉ số TDP 15W, đây là một con số cực kỳ có ý nghĩa với những người mong muốn một thời lượng pin tốt để xử lý các công việc trên máy tính.

Đa số các mẫu laptop chạy dòng chip U đều có một dung lượng pin lớn và thời lượng pin tốt, có thể lên tới 10 – 20 tiếng tùy thuộc nhu cầu sử dụng của người dùng.

– Dòng Y-series/Core m: Dòng dành cho thiết kế không quạt, mỏng nhẹ, chủ yếu cho di động

Ưu điểm: Thiết kế không quạt, hiệu suất vừa đủ và tối ưu hóa thiết kế.

Nhược điểm: Thời lượng pin và hiệu suất không cao.

Khi mua sắm laptop, bạn sẽ thấy có những model sử dụng dòng chip Core m3/Core i5/Core i7 Y-series (Kaby Lake) hoặc Core m3/m5/m7 (Skylake). Đây đều là những dòng chip tiết kiệm điện năng tối đa, hiệu suất xử lý ở mức tạm chấp nhận được và phù hợp nhất đối với dòng laptop hướng đến thiết kế siêu mỏng, không cần quạt tản nhiệt.

Dòng chip Intel Y-series có chỉ số TDP khá thấp, chỉ khoảng 4,5W. Nhờ đó, dòng chip Y-series luôn cho khả năng tiết kiệm điện cao nhất. Tuy nhiên, đa số các mẫu laptop sử dụng dòng chip Y-series thường đi kèm với dung lượng pin thấp, hiệu năng kém do xung nhịp bị hạ thấp hoặc màn hình tiêu tốn nhiều năng lượng.

Ví dụ chiếc Acer Spin 7 được trang bị CPU Core i7-7Y75 có thời lượng pin 6h53 phút và có điểm hệ số Geekbench đạt 5.777 điểm. Trong khi đó, model HP Spectre x360 được trang bị chip Intel Core i7-7500U có trọng lượng tương đương, thời lượng pin lên tới hơn 10 tiếng và điểm số Geekbench là 8.147 điểm. Được biết, mẫu Spin 7 mỏng hơn 5,08 mm so với HP Spectre x360. Mặc dù vậy đã có nhiều nhà sản xuất PC đã giải quyết được vấn đề cân bằng giữa độ dày và hiệu năng CPU, ví dụ như Asus Zenbook 3, mỏng chỉ khoảng 11,9mm và HP Spectre là 10,4mm.

Giá bán của dòng chip Y-series hiện cũng khá rẻ. Kể từ khi được nâng cấp lên thế hệ Kaby Lake, dòng chip Y-series được thương mại hóa với tên gọi Core m3 (phiên bản cơ sở), Core i5 và Core i7. Các model thế hệ chip thứ sáu (Skylake) vẫn có tên gọi lần lượt là Core m3, m5, m7. Tên gọi Intel Core M thường thấy là tên thương mại hóa của dòng chip Y-series và có ký tự Y xen sau giữa chỉ báo thế hệ và chữ số SKU.

– Celeron/Pentium: Phù hợp cho người dùng cơ bản

+ Ưu điểm: Chi phí thấp, đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản như lướt web, nghe nhạc, xem phim,…

+ Nhược điểm: Gặp khó khăn về khả năng xử lý game, chỉnh sửa video, hiệu suất kém.

Nếu đang tìm kiếm một chiếc laptop có giá bán dao động từ 200-400 USD (khoảng 4,5 – 9 triệu đồng), bạn chắc chắn sẽ thấy sự xuất hiện của dòng chip Celeron/Pentium. Về cơ bản, đây là hai dòng CPU giá rẻ, cung cấp hiệu suất vừa phải, đủ đáp ứng cho các nhiệm vụ như lướt web, đọc email và các tác vụ nhẹ khác. Dòng chip Celeron hiện khá phổ biến trên các dòng Chromebook chạy Chrome OS của Google do không yêu cầu quá nhiều sức mạnh xử lý từ phần cứng giống như Windows.

Đọc thêm  Cách chụp ảnh màn hình bằng Preview trên Macbook

Dòng CPU Celeron có TDP dao động từ 4-15W. Tên đầu của model laptop chạy chip Intel Celeron thường là N (ví dụ N3060), loại chip này tiêu thụ điện năng từ 4-6W, trong khi đó, với dòng chip có đuôi kết thúc bằng chữ U có TDP là 15W với hiệu suất tốt hơn. Tuổi thọ pin có thể thay đổi khá nhiều tùy thuộc vào dung lượng pin, tuy nhiên nhiều đánh giá cho thấy, dòng CPU có lượng tiêu thụ điện năng từ 4-6W thường sẽ rẻ hơn và có thời lượng pin kéo dài hơn.

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng dòng Pentium lại mạnh hơn so với Celeron. CPU Pentium có TDP dao động từ 6-15W, đa số là 6-7,5W. Một trong số model laptop nổi bật sử dụng Intel Pentium có thể kể đến như Asus Vivobook E403SA, máy dùng chip Intel Pentium N3700, thời lượng pin có thể kéo dài tới 9 tiếng và giá chỉ khoảng 400 USD.

– Intel Atom: Thích hợp cho người dùng muốn có một thiết bị phụ trợ

+ Ưu điểm: Chi phí thấp, thời lượng pin dài, trọng lượng nhẹ

+ Nhược điểm: Khả năng đa nhiệm và hiệu suất không cao

Intel Atom có thể coi là dòng CPU giá rẻ nhất của Intel. Dòng chip này thường xuất hiện trong nhiều model laptop Windows siêu rẻ (dạng laptop lai) hay các dòng máy tính bảng Windows như Lenovo IdeadPad 100S và Asus Transformer Mini T102HA. Đa số các dòng Intel Atom đều có 4 lõi và tương đối tiết kiệm điện năng, đáng tiếc đây cũng là dòng chip có hiệu năng yếu nhất.

Có lẽ vì vậy, Intel Atom chỉ nên dành cho những người muốn có một thiết bị phụ trợ đi kèm, hoặc chỉ phục vụ những nhu cầu hết sức cơ bản như lướt web, xem video.

Intel không công bố chi tiết chỉ số TDP của dòng Intel Atom nhưng hãng hé lộ rằng, dòng Intel Atom có chỉ số SDP (Scenario Design Power) – một trong những chỉ số dùng để đánh giá mức tiêu thụ điện năng của dòng chip Y-series đạt khoảng 2-2,5W, tức chỉ bằng khoảng 1/2 so với lượng điện năng tiêu thụ của dòng chip Y vốn đã gần như thấp nhất. Và không quá ngạc nhiên khi biết rằng, model Lenovo 100S có giá chỉ khoảng 200 USD nhưng có thể hoạt động tới 10 tiếng liên tục.

Chip đồ họa tích hợp

Tất cả các dòng CPU laptop đều đi kèm với chip đồ họa tích hợp (GPU). Trên hầu hết các dòng CPU Core i3/i5/i7, GPU thường được đặt tên là Intel HD Graphics và một con số đằng sau đó.

Thế hệ CPU thứ 7 hiện nay bắt đầu với số 6 (Intel HD Graphic 620) và thế hệ thứ 6 là số 5 (Intel HD Graphic 520). Một số dòng CPU thậm chí còn được trang bị chip đồ họa Iris Graphic hoặc Iris Pro Graphics, đây đều là những dòng chip đồ họa cao cấp nhất của Intel với nhiều tính năng vượt trội.

Đa số các dòng GPU tích hợp đều được gắn trực tiếp lên CPU nên việc phối hợp giữa các dòng GPU và CPU khác nhau là không thể. Ví dụ như việc CPU Intel Core i7 6500U chỉ có thể sử dụng GPU Intel HD Graphics 520.

Lại một lần nữa, vấn đề nhu cầu người dùng được đặt làm trọng tâm khi lựa chọn chip đồ họa tích hợp đi theo CPU. Nếu đã có một lựa chọn tốt với CPU, việc lựa chọn GPU có vẻ như sẽ không quá quan trọng nếu như người dùng chỉ sử dụng laptop cho mục đích cơ bản như làm việc văn phòng, chơi game cấu hình thấp, lướt web, xem video,…

Tuy nhiên nếu mục đích ban đầu là một cỗ máy có khả năng chỉnh sửa đồ họa tốt và khả năng chơi game chuyên nghiệp, việc lựa chọn một chiếc laptop có thêm khe cắm GPU rời là rất quan trọng. Hiện nay có hai hãng cung cấp GPU rời nổi tiếng là Nvidia và AMD. Trong đó, giá bán của dòng GPU do AMD cung cấp có phần rẻ hơn so với Nvidia, bù lại dòng GPU của Nvidia đem tới hiệu suất xử lý đồ họa có phần nhỉnh hơn.

Một số vấn đề về thành phần cấu tạo

Theo tổng quan bài viết, CPU không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu suất của một chiếc laptop. Nguyên nhân bởi lẽ, ngay cả những dòng CPU chậm nhất nếu như được kết hợp với các phần cứng khác tốt hơn như SSD hay GPU rời vẫn sẽ đem lại một trải nghiệm hoàn hảo không kém.

Rõ ràng thay vì cố gắng nâng cấp lên những dòng chip cao hơn hay Core i cao hơn, người dùng hoàn toàn có thể cân nhắc tới việc trang bị một ổ SSD cao cấp hoặc GPU rời phù hợp cho nhu cầu công việc. Và đôi lúc chính những phần cứng này mới là yếu tố tạo nên sức mạnh cho một cỗ máy laptop mà người dùng hằng mong muốn.

Nguồn: ThinkPro